Vợ lính Trường Sa: Điểm tựa để chồng yên tâm bám biển

VHO - Một năm có 365 ngày thì ít nhất 3/4 thời gian, thậm chí là cả 365 ngày, những người vợ lính Trường Sa đằng đẵng chờ chồng và nuôi con một mình. Họ chấp nhận hy sinh niềm riêng để nửa kia yên tâm làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió xa nhất của Tổ quốc.

Vợ lính Trường Sa: Điểm tựa để chồng yên tâm bám biển - Anh 1

 Tấm ảnh hiếm hoi của gia đình chị Huế trong một dịp anh Hạnh đi Trường Sa trở về (Ảnh nhân vật cung cấp)

 5 giờ sáng đánh thức con dậy, cắm nồi cơm, cho con ăn, đưa chúng tới trường rồi “vượt” đến đơn vị. 7 giờ vào làm việc, huấn luyện điều lệnh đội ngũ, tập bắn súng, học chính trị, công tác chuyên môn. 11 giờ 30 lại vội vã về nhà lo cơm nước. 13 giờ 30 vào làm việc buổi chiều tới 17 giờ… Đó là một ngày khép kín của thượng úy Ngô Thị Huế, nhân viên văn thư bảo mật Ban hành chính Phòng Tham mưu Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân. Chị kể, “công việc đơn vị, gia đình luôn bù đầu, thường phải vắt chân lên cổ mà chạy. Nhưng sợ nhất là sự cô đơn. Lấy nhau gần 20 năm, nhưng thời gian vợ chồng gần nhau tính chi li chỉ vào khoảng 4 năm. Tiếng cả hai cùng là bộ đội, nhưng cả năm chỉ được gặp có một lần. Việc nuôi dạy, chăm lo con cái đều một tay em lo hết. Lúc con khỏe đã đành, khi chúng ốm đau tủi thân lắm. Nhiều lúc chỉ biết khóc thầm”…

Gần 20 năm trước, thiếu tá Phan Văn Hạnh là chiến sĩ của Đại đội Thông tin thuộc Phòng Tham mưu Lữ đoàn 171 đem lòng yêu nữ quân nhân Ngô Thị Huế. Chàng trai xứ Thanh có khuôn mặt chữ điền nam tính khiến cô gái quê Nam Định dịu hiền nết na “mê mẩn”. Sau hai năm yêu nhau, họ làm đám cưới. Ngày Hạnh lên đường đi Nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ cũng là ngày Huế thông báo có tin vui. Tình yêu, hạnh phúc của “cặp lính biển” cứ lớn dần theo ngày tháng. Ở Nhà giàn DK1, Hạnh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua. Trên đất liền, Huế đảm đang đạt danh hiệu “Nữ quân nhân hai giỏi”. Hai cậu con trai lần lượt ra đời càng làm cho hạnh phúc của họ thêm bền chặt.

Sau nhiều năm tích cóp từ đồng lương “ba cọc ba đồng”, vợ chồng anh Hạnh và chị Huế cũng mua được mảnh đất làm căn nhà cấp 4 cuối hẻm 116/56B đường Đô Lương, phường 11, TP Vũng Tàu. Tổ ấm giản dị đơn sơ với chiếc ti vi treo tường, cái giường ngủ cho cả bốn người, gian bếp nhỏ và khoảng trống ngoài hè đủ kê bộ bàn ghế đá. Chật hẹp là thế, song mỗi khi anh Hạnh đi biển, căn nhà lại trở nên trống trải đến lạ lùng.

Không đếm hết bao đêm chị Huế ôm con khắc khoải nhớ chồng, bao lần hì hục một mình tát nước tràn vào nhà sau cơn mưa lớn, chỉ biết đối với việc nước chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đối với bố mẹ đôi bên chị là người con hiếu thảo, đồng thời là mẹ hiền đảm đang của hai con, người vợ chung thủy của chồng.

Vợ lính Trường Sa: Điểm tựa để chồng yên tâm bám biển - Anh 2

 Thượng úy QNCN Ngô Thị Huế (ngoài cùng bên trái) nhận hoa của lãnh đạo đơn vị tặng dịp 8.3 Ảnh: TMT

“Mỗi dịp ngày lễ, Tết, 8.3 hay 20.10, nhìn các gia đình chở nhau đi chơi, em lại chạnh buồn. Nhưng rồi tự an ủi mình là vợ lính, chăm sóc con cái học hành, làm điểm tựa để chồng yên tâm bám biển là nghĩa vụ, bổn phận”, chị Huế nói như thế khi tôi hỏi “8.3 chồng tặng quà gì”. “Nhà em đi Trường Sa biền biệt, đến tháng tư này là tròn năm. Vợ lính Trường Sa làm gì có hoa, có quà anh ơi. Nhận được hoa hồng trong điện thoại là vui lắm rồi. Anh yên tâm công tác, bình yên trở về chính là món quà lớn nhất của mẹ con em”, chị Huế trải lòng.

Liên hệ với thiếu tá Phan Văn Hạnh từ đảo Trường Sa Lớn, anh hồ hởi thông tin: “Em sắp được vào đất liền rồi. Nếu anh ra Trường Sa trong chuyến tàu tới là gặp em. Đời lính Trường Sa lấy đảo là nhà, biển cả là quê hương. Mỗi khi được vào đất liền, cái cảm giác như mình “đi nước ngoài” trở về. Phút giây nhìn thấy vợ con sau cả năm đằng đằng xa nhau, thực lòng không kìm được nước mắt. Trước em đi Nhà giàn, nay lại đi Trường Sa. Biển, đảo chính là cuộc sống hằng ngày…”.

Khó có thể nói hết được niềm hạnh phúc, kiêu hãnh nhưng cũng nhọc nhằn của người vợ lính. Chị Ngô Thị Huế chỉ là một trong hàng ngàn “nữ binh” có chồng đang ngày đêm chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tất cả khó khăn, gian khổ chị đều nỗ lực, gắng gỏi vượt qua. Bởi chị đang làm điểm tựa, là hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm canh biển, bám đảo…

 TRẦN MẠNH TUẤN

Ý kiến bạn đọc